Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên 728 người cao tuổi, trong đó có 292 người bình thường, 262 người mắc bệnh Alzheimer và 174 người bị MCI. Khứu giác người tham gia được đánh giá qua loạt trắc nghiệm xác định mùi Sniffin’ Sticks (SS-OIT) vốn đòi hỏi họ phải ngửi và xác định 16 mùi khác nhau. Họ cũng trải qua trắc nghiệm về nhận thức đúng theo tiêu chuẩn. Nhóm nghiên cứu đánh giá mức độ chính xác dựa trên trắc nghiệm về nhận thức đơn thuần hoặc căn cứ vào sự kết hợp của cả trắc nghiệm nhận thức cùng với SS-OIT. Các nhà khoa học phát hiện rằng SS-OIT làm tăng đáng kể độ chính xác của chẩn đoán, theo đó độ chính xác trong chẩn đoán MCI căn cứ vào trắc nghiệm nhận thức ở mức 75% nhưng khi kết hợp với SS-OIT, tỉ lệ này lên tới 87%. Kết quả cũng tương tự như vậy đối với chẩn đoán bệnh Alzheimer và SS-OIT còn giúp xác định rõ hơn bệnh nhân nào bị MCI dạng nặng hơn.
Trắc nghiệm ngửi mùi có thể giúp chẩn đoán bệnh về nhận thức chính xác hơn Ảnh: MNT
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS David R. Roalf, nhận xét: “Kết quả này cho thấy chỉ cần trắc nghiệm xác định mùi một cách đơn giản cũng có thể là công cụ bổ sung hữu ích nhằm phân hạng lâm sàng MCI và bệnh Alzheimer, thậm chí xác định những người có nguy cơ bệnh nặng”.
Trúc Lâm
Theo www.nld.com.vn